Hội chứng kém hấp thu là một trong những chứng bệnh rất dễ gặp trong chăn nuôi gà. Khi mắc phải bệnh lý này, hệ tiêu hóa của gà sẽ không thể hấp thu được dinh dưỡng hay các loại khoáng chất và vitamin thiết yếu từ đó dẫn đến gà bị còi cọc, kém phát triển. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, kinh tế của người chăn nuôi. Vậy để biết được hội chứng này xuất phát từ đâu và cách khắc phục như nào? Mời bà con cùng chuyên gia giải đáp ở ngay dưới đây
Nội Dung
1. Nguyên nhân gây ra hội chứng kém hấp thu
Hiện tại, khó có thể chỉ ra nguyên nhân chính gây nên hội ra hội chứng kém hấp thu ở gà bởi vì chứng bệnh này thường không phải là bệnh lý riêng biệt mà có thể là hậu quả kế phát từ nhiều tình trạng bệnh khác nhau tạo nên.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy có nhiều chủng virus và vi khuẩn đã được tìm thấy trên gà bệnh như: Enterovirus, Astrovirus, Parvovirus, Arenavirus, Calicivirus, Togavirus, Reovirus, Rotavirus hoặc là các loại vi khuẩn như: Ecoli, Clostridium Perfringes, Staphylococcus cohnii. Trong đó, Enterovirus, reovirus được xem là những yếu tố có khả năng gây bệnh nhất. Thông qua bài tiết của gia cầm nhiễm bệnh, virus có cơ hội phát triển và lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ngoài ra, nhiệt độ trong chuồng úm không đảm bảo cũng là một trong những vấn đề khiến bệnh kém hấp thu trở nên trầm trọng hơn. Thông thường với chứng bệnh này, tình trạng bệnh của gà trống sẽ nặng hơn gà mái.
2. Biểu hiện của hội chứng kém hấp thu trên gà
Quá trình kém hấp thu ở gà gây ra nhiều tác hại lớn không chỉ là bộ máy tiêu hóa mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của gà. Căn cứ trên nhiều nguyên nhân mà gà sẽ có các triệu chứng bệnh khác nhau, nhưng biểu hiện chung thường gặp nhất đó là:
- Đàn gà phát triển không đồng đều, trong đàn sẽ có từ 5 – 10% con còi cọc, chậm lớn.
- Lông gà xấu, xơ xác hoặc dính bết
- Xuất hiện tình trạng tiêu chảy, lỗ huyệt dính bết, ở phân có dịch nhầy và màu phân màu vàng thay đổi sang cam
- Chân gà trở nên nhạt màu hơn trước
- Thương đứng im một chỗ hoặc ngại di chuyển
- Không ngừng mổ vào tường
Bệnh tích
Đối với các cá thể gà mắc hội chứng kém hấp thu thường xuất hiện các bệnh tích bên trong như sau:
- Ruột gà bị viêm sưng chứa nhiều nước và dịch màu vàng cam. Bụng phệ và còn nhiều thức ăn trong ruột chưa được tiêu hóa hết.
- Phần tụy bị teo và hóa sợi, tuyến Bursa và Thymus cũng xuất hiện tình trạng teo.
- Bộ phận tiền mề trở nên sưng lớn nhưng mề lại co nhỏ.
- Màng tim chứa dịch, manh tràng sưng phồng chứa khí.
- Xương bị viêm tủy, còi xương, một số con chân yếu hoặc gãy chân.
3. Cách khắc phục hội chứng kém hấp thu ở gà
Phòng ngừa
Hiện nay chưa có vắc xin nào đặc trị hội chứng kém hấp thu ở gà. Tuy nhiên có một số loại vắc xin như Reovirus được bán ra trên thị trường sẽ giúp ngăn ngừa phần nào tình trạng gà bị còi cọc, chuyển đổi thức ăn kém. Người chăn nuôi có thể tiêm loại vacxin này cho gà bố, mẹ và gà con 1 ngày tuổi.
Bà con cần tiến hành vệ sinh, khử trùng định kỳ chuồng trại, khu vực chăn nuôi đảm bảo môi trường sống của gà luôn được sạch sẽ, thoáng mát. Thực hiện tốt công tác vệ sinh sẽ hạn chế được tình trạng lây nhiễm bệnh và giúp gà có thể sinh trưởng khỏe mạnh đồng đều.
Thường xuyên kiểm soát nguồn nhiệt đặc biệt là thời điểm úm gà. Nhiệt phải đạt chuẩn, tránh tình trạng gà quá nóng hay bị lạnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tiền đề.
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho gà cần nên được phân tích độc tố trước khi sử dụng. Thực ăn phải luôn đảm bảo tươi mới, sạch sẽ, không bị ẩm mốc, hết hạn.
Ngoài ra, bà con chăn nuôi cũng cần phải nâng cao sức đề kháng cho gà bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng. Bổ sung các thuốc kháng sinh và nhiều khoáng chất, vitamin sẽ giúp hệ miễn dịch và đề kháng của gà trở nên tốt hơn.
Điều trị
Hội chứng kém hấp thu cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời, nếu để tình trạng bệnh diễn ra lâu ngày sẽ khiến gà suy yếu và chết, gây thiệt hại nặng nề. Bởi vậy, một số cách điều trị bệnh dưới đây bà con nên tham khảo để áp dụng lên đàn gà của mình
- Khi phát hiện những con gà có biểu hiệu bệnh, cần tách đàn cho ở riêng để tránh lây nhiễm và tiện cho việc chăm sóc, theo dõi.
- Cung cấp cho gà vitamin tổng hợp đặc biệt là vitamin E trong khẩu phần ăn uống hàng ngày
- Bổ sung thêm BMD 220 ppm hoặc Virginiamycine 22 ppm để giúp gà cải thiện khả năng tăng trọng và tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, đồng thời còn phòng viêm ruột hoại tử.
Trên đây là những thông tin xoay quanh hội chứng kém hấp thu ở gà. Tuy rằng đây là chứng bệnh nguy hiểm nhưng nếu bà con có đầy đủ kiến thức về thú y thì việc phát hiện và điều trị bệnh là không quá khó khăn. Mong rằng, bài viết trên sẽ là những thông tin hữu ích giúp bà con đạt được năng suất, chất lượng cao trong mùa vụ chăn nuôi sắp tới. Đừng quên theo dõi những bài viết tới đây để tích lũy thêm nhiều kiến thức nhé.